[ Mẹo vặt ] Cách làm siro ho đơn giản cho cả gia đình

Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có 4 mùa. Mỗi lần chuyển mùa, thời tiết thay đổi khiến cả người lớn và trẻ nhỏ mắc các triệu chứng như ốm, cảm cúm, ho hay sổ mũi… Với trẻ em, uống thuốc tây quá nhiều có thể gây ra “nhờn” thuốc, thường xuyên bị tái lại. Sau đây, Nông sản Dũng Hà xin giới thiệu đến bạn các cách làm siro ho đơn giản cho cả gia đình, an toàn và hiệu quả. 

1. Siro ho thảo dược là gì? 

Siro ho thảo dược là loại siro ho được làm từ các loại thảo mộc và thực vật tự nhiên. Chúng thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng ho khan, ho có đờm và đau họng.

Siro ho thảo dược thường được coi là an toàn cho hầu hết mọi người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ mang thai. Những người mẫn cảm, dị ứng với thành phần, nguyên liệu có trong siro nên tìm hiểu trước khi uống. 

2. Công dụng khi dùng siro ho từ thảo dược

Siro ho tự làm tại nhà có nhiều công dụng, bao gồm:

  • Giảm ho khan, ho có đờm: Siro ho tự làm tại nhà có chứa các thành phần như mật ong, chanh, quất, gừng,... có tác dụng làm dịu cổ họng, long đờm và giảm ho hiệu quả.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Siro ho tự làm tại nhà có chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
  • Làm ấm cơ thể: Siro ho tự làm tại nhà có chứa các thành phần như gừng, sả,... giúp làm ấm cơ thể, hỗ trợ giảm các triệu chứng cảm lạnh, ho gió hay ho khan.
  • An toàn và hiệu quả: Siro ho tự làm tại nhà được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.

siro-co-cong-dung-gi

Lưu ý:

  • Siro ho tự làm tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị các triệu chứng ho nhẹ.
  • Nếu ho nhiều, dai dẳng, ho ra máu, hoặc ho kèm theo sốt cao, khó thở, cần đi bệnh viện, khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm: MỒNG TƠI KỴ VỚI GÌ? TRÁNH 4 THỰC PHẨM SAU KẺO "MẤT MẠNG"?

3. Hướng dẫn cách làm siro ho đơn giản cho cả gia đình

3.1 Siro húng chanh 

Nguyên liệu: 

  • Đường phèn: 300g 
  • Quất: 800g
  • Húng chanh (rau tần): 900g 
  • Diếp cá: 500g
  • Gừng: 1 củ 
  • Thảo quả: 50g
  • Lá hẹ: 1 nắm to
  • Tỏi: 5 củ
  • Quế: 2 - 3 thanh
  • Nguyên liệu khác (tùy thích): rau bạc hà, hoa đu đủ đực, cam thảo… 

Cách nấu siro húng chanh: 

  • Húng chanh, quất, gừng, diếp cá, hẹ, bạc hà rửa sạch rồi ngâm nước muối 15p. 
  • Vớt nguyên liệu ra để ráo. Quất cắt đôi bỏ hạt, vắt bỏ bớt nước rồi ngâm chung với đường phèn 1.5 tiếng.
  • Cho quất, đường phèn lên bếp nấu lửa vừa thấy sôi thì hạ lửa liu riu. Sau đó thêm húng chanh, diếp cá, gừng, hẹ, bạc hà, quế, thảo quả đập dập cho vào đảo đều, đun nhỏ lửa khoảng 3 - 4 tiếng. 
  • Kiểm tra nếu không thấy hơi nước bốc lên thì tắt bếp. Dùng rây lọc bã, phần siro cho vào lọ thủy tinh, phần bã tách riêng. 
  • Siro thành phẩm có độ sánh đặc như mật, màu óng ánh hổ phách.  

Cách dùng: 

  • Em bé từ  4 - 5 tháng tuổi là có thể dùng được. Mỗi lần dùng 1 thìa nhỏ 5ml, có thể pha loãng với khoảng 20ml nước ấm cho dễ uống. Ngày uống 1 - 2 lần để tăng đề kháng. Ngày uống 3 - 5 lần để điều trị ho sổ mũi. 
  • Đối với người lớn: Ngày uống 3 - 5 lần, mỗi lần 15ml. Sử dụng mỗi sáng để bảo vệ thanh quản và dạ dày.
  • Mẹ bầu có thể sử dụng siro húng chanh an toàn. 

3.2 Siro húng chanh cấp tốc 20 phút

Trong trường hợp nhà bạn chưa có thời gian để chuẩn bị và nấu siro trong 5 - 6 giờ, có thể áp dụng cách làm siro cấp tốc như sau: 

Nguyên liệu: 

  • 4 - 5 lá húng chanh
  • 2 quả quất nhỏ 
  • Lá hẹ
  • Mật ong (thay bằng đường phèn cho bé dưới 1 tuổi)

siro-hung-chanh

Cách thực hiện: 

  • Rửa sạch tất cả nguyên liệu. Cắt nhỏ lá húng, lá hẹ, quất cắt đôi.
  • Đổ mật ong/ đường phèn xâm xấp mặt các nguyên liệu. Sau đó đem hấp chín trong 15 phút. 
  • Sau 15 phút, bỏ bát siro ra ngoài, để nguội bớt. 
  • Mới ăn sẽ có vị hơi đắng nhẹ, hậu vị ngọt thanh. Dùng được cả siro và bã.
  • Với các bé, mẹ cho nhấp từng chút một khi còn ấm. Hoặc có thể hoà thêm chút nước ấm, khuấy đều rồi cho bé uống.

Xem thêm: NÊN NGÂM RƯỢU SIM KHÔ HAY TƯƠI? CÁCH NGÂM RƯỢU SIM CỰC NGON

3.3 Siro mật ong chanh đào

Mùa chanh đào mỗi năm chỉ có 1 lần, các mẹ thường tận dụng để ngâm để dùng cả năm. Có 1 hũ này trong nhà, ho, sổ mũi đều không phải vấn đề! 

Nguyên liệu: 

  • 1kg chanh đào 
  • 800ml - 1 lít mật ong nguyên chất 
  • 500g đường phèn

Cách làm:

  • Chanh rửa sạch, pha 1 ít muối với nước ngâm khoảng 20 phút. Sau đó vớt chanh ra rổ cho ráo nước. 
  • Cắt chanh thành từng lát tròn, mỏng vừa. 
  • Trụng lọ thủy tinh qua nước sôi, úp ngược cho ráo nước. 
  • Lần lượt xếp vào lọ, một lớp chanh, một lớp đường phèn đập nhỏ cho đến hết. 
  • Dùng nan tre ép chặt chanh, sau đó đổ mật ong vào ngập chanh. 

Lưu ý: Có thể cho ít lát gừng khô vào ngâm cùng cho thơm và tăng dược tính. 

3.4 Cách làm siro ho: Siro quất 

Nguyên liệu: 

  • Quả quất: 1kg
  • Đường phèn: 1kg 
  • Nước lọc
  • Muối
  • Gừng 

Cách làm: 

Bước 1: Sơ chế quất

  • Quả quất ngâm qua nước muối loãng khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch, vớt ra rổ để ráo. 
  • Cắt phần cuống quả sao cho dễ vắt nước cốt. Giữ lại phần cuống đã cắt
  • Vắt hết nước trong quất, dùng rây để lọc hạt quất.
  • Phần vỏ sau khi vắt nước mang chần với nước sôi pha chút muối.

Bước 2: Nấu siro quất

  • Đun sôi 1 lít nước, thêm 10g muối vào khuấy cho tan. Cho vỏ quất vào chần rồi vớt ra cho nguội, ráo nước. Việc chần vỏ quất giúp loại bớt vị đắng của vỏ. 
  • Sau khi vỏ quất nguội hoàn toàn, đổ vào nồi to, thêm chút gừng đập dập. 
  • Thêm đường phèn rồi đổ nước cốt quất vào, đậy vung/ nắp kín. 
  • Ngâm tới khi đường tan hết (khoảng 6 tiếng).
  • Đường tan hết, bắc nồi lên đun sôi. Liên tục khuấy, hớt bọt, giữ lửa nhỏ, đun sôi liu riu. 
  • Đun tầm 45 - 50 phút, thích keo đặc thì đun thêm thời gian đến mức mong muốn, sau đó tắt bếp. 

cach-lam-siro-quat

Bước 3: Cách dùng, bảo quản

  • Siro nguội hẳn thì cất vào hũ thủy tinh, đậy kín nắp, để nơi khô ráo thoáng mát. 
  • Thành phẩm siro quất màu vàng, trong veo như hổ phách. 
  • Có thể dùng trực tiếp, nhấm nháp làm dịu những cơn ho. Mùa hè nóng bức, thêm đá, lắc đều là có ly nước quất thơm nức! Vừa ngon vừa bổ dưỡng. 

Xem thêm: RAU MUỐNG KỴ GÌ? NHỮNG "ĐẠI KỴ" CẦN TRÁNH KẺO MẤT MẠNG

3.5 Siro chữa ho chanh vàng

Nguyên liệu: 

  • 2kg chanh vàng
  • 1 lít rượu trắng 
  • 2 lít mật ong
  • Vài miếng gừng

Cách thực hiện:

  • Chanh vàng rửa sạch với nước muối, thái lát và bỏ hạt. Gừng làm sạch, đập dập. 
  • Cho chanh vàng đã cắt và gừng vào lọ. Đổ rượu trắng vào bình, thêm 2 lít mật ong vào trộn đều. 
  • Để bình nơi râm mát tầm 3 tháng. 

Lưu ý: Chanh vàng có hàm lượng tinh dầu cao, khi ngâm sử dụng bạn sẽ thấy có chút vị đắng nhẹ. Điều này không ảnh hưởng gì đến chất lượng và tác dụng của siro.

3.6 Siro dứa mật ong 

Vào những ngày chuyển mùa, nắng mưa thất thường, người lớn và trẻ nhỏ đều dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt là triệu chứng ho, sổ mũi kéo dài. Nếu sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, cơ thể trở nên “nhờn”, chữa lâu khỏi mà thường xuyên bị lại. Cùng tìm hiểu công thức siro thảo dược, giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ giảm ho khan, ho có đờm… 

Thành phần:

  • Dứa: 600g 
  • Nửa củ gừng tươi
  • Nửa quả chanh 
  • Mật ong: 3 muỗng canh
  • 7 - 10 sợi saffron

Cách chế biến:

  • Cho dứa cắt nhỏ và gừng tươi vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn vừa. Đun hỗn hợp trên ở lửa nhỏ. Từ lúc sôi đến khi tắt bếp là 5 phút.
  • Lọc hỗn hợp vừa đun qua rây. Thêm vào ba muỗng canh mật ong, saffron và vắt nửa trái chanh vào dung dịch vừa rây, sau đó trộn đều. 
  • Cho hỗn hợp vào hũ thủy tinh có nắp đậy. Bảo quản lạnh và dùng trong 5 ngày.

cach-lam-siro-dua

Cách dùng:   

  • Trẻ từ 1 tuổi trở lên ho có đờm, dùng 2,5 ml/lần, ngày 4 - 5 lần. Dùng liên tục trong 3 - 5 ngày.
  • Người lớn bị ho cũng có thể sử dụng, liều lượng linh hoạt. 

Xem thêm: QUẢ HỒNG KỴ VỚI GÌ? TRÁNH NGAY 10 THỰC PHẨM NÀY KHI ĂN HỒNG

3.7 Siro lê mật ong 

Khi trẻ bị ho và cảm nhẹ, các mẹ có thể làm theo công thức này, rất an toàn và hiệu quả, kể cả với người lớn. 

Nguyên liệu:

  • 2 quả lê 
  • 1,5 cốc nước (300ml) 
  • 2 miếng đường thốt nốt (120g)
  • Kỷ tử: 15g
  • Táo đỏ: 10 quả
  • Gừng: 3 - 4 lát

Cách thực hiện: 

  • Lê gọt vỏ, cắt thành các lát nhỏ. 
  • Đường thốt nốt thái nhỏ cho nhanh tan. Kỷ tử, gừng rửa qua nước cho sạch bụi. 
  • Táo đỏ cắt làm đôi, bỏ hạt. Ngâm nước sạch cho nở đều rồi nấu cách thuỷ. 
  • Sau 15 phút, cho lê, đường, kỳ tử và gừng vào hấp chung đến khi lê chín mềm. Dùng thìa đảo nhẹ thấy miếng lê đã nhừ thì tắt bếp. 

Thành phẩm: 

  • Lấy bát lê ra, dùng dĩa xiên miếng lê ăn, giúp giải cảm, hạ sốt nhanh hơn.
  • Phần nước thảo dược, chia thành nhiều lần uống. Liều lượng uống như sau: Bé từ 2 - 3 tuổi, mỗi lần uống 5ml, ngày 3 lần. Bé từ 3 - 10 tuổi, mỗi lần uống 10ml, ngày 2 - 3 lần.
  • Lê có vị ngọt thanh, nhuận phế, tiêu đờm; chứa nhiều axit amin, vitamin giúp nâng cao hệ miễn dịch, cải thiện chức năng hô hấp. Táo đỏ, kỷ tử cung cấp nhiều chất sắt phòng ngừa mệt mỏi, thiếu máu rất tốt. Kết hợp các nguyên liệu trên đã cho ra một thức uống vô cùng bổ dưỡng, dễ uống và vô cùng hiệu quả. 

3.8 Siro quất hồng bì

Mùa quất hồng bì đến khá nhanh và kết thúc cũng rất sớm. Mọi người nên tranh thủ ngâm một bình quất hồng bì, đề phòng trong nhà có người bị ho thì chỉ cần ngậm vỏ quất hay pha với nước ấm uống là đỡ ngay. 

Nguyên liệu:

  • 1kg quất hồng bì
  • 600ml mật ong
  • 4 viên đường phèn: khoảng 200g
  • Mật ong và đường phèn có thể điều chỉnh tùy vào khẩu vị của mỗi nhà. 

Cách làm:

  • Dùng kéo cắt sát cuống quất hồng bì, không vặt để tránh quả bị dập. Rửa quất hồng bì dưới vòi nước chảy cho trôi hết bụi bẩn.
  • Ngâm quất vào nước muối loãng trong vòng 30 phút để tránh bị nổi váng. Sau đó, nhẹ nhàng vớt quất ra rổ, để ráo nước (có thể bật quạt cho nhanh khô). 
  • Dùng nước sôi trụng qua bình ngâm cho tiệt trùng, úp ngược lại cho ráo nước. 
  • Thấm khô hoàn toàn quất rồi cho vào bình. Xếp từng lớp quất rồi thêm 1 lớp mật ong, sao cho quả được tiếp xúc đều với mật. Lưu ý bước này, nếu làm không kỹ, quả sẽ bị hỏng trong quá trình ngâm.

cach-lam-siro-le-mat-ong

  • Đặt 4 viên đường phèn lên trên cùng rồi đậy nắp. Để nơi thoáng mát khoảng 1 tháng là có thể sử dụng. 

Xem thêm: TOP CÁC MÓN NGON TỪ HẠT KÊ BỔ DƯỠNG, DỄ LÀM TẠI NHÀ

4. Kết luận

Trên đây là một số các công thức làm siro thảo dược chữa ho tại nhà. Sử dụng siro tự làm giúp tiết kiệm chi phí, an toàn và hỗ trợ giảm và chữa khỏi các triệu chứng ho, ho khan hay ho có đờm hiệu quả nhất. Do làm từ các loại thảo dược nên siro ho cần sử dụng liên tục và bền bỉ, ít nhất 1 tuần mới có thể thấy được hiệu quả rõ rệt. Chúc bạn đọc và quý khách tìm được phương pháp trị ho hiệu quả với bản thân và gia đình!